Đột quỵ rình rập sức khoẻ con người, Trung Quốc lập tức ứng dụng công nghệ cao tạo ra ‘ngón tay thứ sáu’: Bệnh nhân thử nghiệm từ tuyệt vọng sang kinh ngạc đến bật khóc

Các nhà khoa học đang hy vọng tích hợp công nghiệp tiên tiến này với lĩnh vực y tế, giúp mở ra kỷ nguyên mới cho khả năng điều trị bệnh.

Đột quỵ rình rập sức khoẻ con người, Trung Quốc lập tức ứng dụng công nghệ cao tạo ra ‘ngón tay thứ sáu’: Bệnh nhân thử nghiệm từ tuyệt vọng sang kinh ngạc đến bật khóc- Ảnh 1.

Một bệnh nhân đột quỵ đã được đội mũ điện não để thử nghiệm một thiết bị có tên “ngón tay thứ sáu” gắn trên cổ tay. Mục đích là để điều khiển tay nhấc một cái chai đặt trên mặt bàn.

Trong quá trình thử nghiệm, bác sĩ thần kinh khuyến khích: “Hãy thử lại, tập trung sự chú ý và xem liệu bạn có thể nhấc được cái chai lên không”.

Bệnh nhân này trước đó vốn không thể cầm nổi một cây bút. Nhưng với các thiết bị hỗ trợ, cái chai trong tay bệnh nhân từ từ được nhấc khỏi mặt bàn. Biểu cảm của nữ bệnh nhân từ tuyệt vọng sang kinh ngạc, sau đó bật khóc.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ ba Wang Zhuang là thành viên của nhóm kỹ thuật thần kinh tại Đại học Thiên Tân. Ông phụ trách quan sát buổi thử nghiệm và ghi chú lại số liệu.

Nhóm của ông đã nghiên cứu chế tạo một thiết bị đeo ngón tay cải tiến, tận dụng công nghệ giao diện não-máy tính (BCI) không xâm lấn để khai thác sóng não của bệnh nhân, cho phép bệnh nhân đột quỵ có thể “ra lệnh” trong đầu.

Thiết bị này cũng nhằm mục đích phục hồi hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên bị tổn thương của bệnh nhân, từ đó tạo điều kiện phục hồi các chức năng vận động của tay.

Công nghệ BCI đang là mối quan tâm toàn cầu. Các nhà khoa học và kỹ thuật đang mong muốn tích hợp công nghệ tiên phong này vào lĩnh vực khám chữa bệnh, mở ra một kỷ nguyên mới về khả năng điều trị.

Ông Wang cho biết: “Đột quỵ là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe của con người, thường khiến bệnh nhân bị suy giảm thể chất ở nhiều mức độ khác nhau”. Vì thế, khát vọng của nhóm nghiên cứu là khai thác sức mạnh của công nghệ để mang đến cho bệnh nhân cơ hội có một cuộc sống trọn vẹn hơn.

Trung Quốc đã công bố hướng dẫn hỗ trợ đổi mới công nghệ và quản lý an toàn cho các ngành trong tương lai, bao gồm cả ngành BCI.

Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc về sự phát triển và ứng dụng BCI, công nghệ BCI ở Trung Quốc chủ yếu được ứng dụng trong điều trị y tế.

Theo báo cáo, khoảng 200 doanh nghiệp BCI y tế đang hoạt động tại Trung Quốc, với 1/4 trong số đó đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cấy ghép, trong khi số còn lại tập trung phát triển các công nghệ không cấy ghép.

Mei Jie, đồng nghiệp của Wang, cũng đã phát hiện ra tiềm năng trong hệ thống BCI. Sau 6 tháng nỗ lực hết mình, ông đã chế tạo thành công một chiếc máy bay không người lái có thể điều khiển bằng tín hiệu não.

Để đánh giá và tinh chỉnh khả năng hoạt động của "máy bay không người lái được điều khiển bằng não", Mei đã dành toàn bộ thời gian 3 tháng để tiến hành các thí nghiệm tại cơ sở nghiên cứu ngoài trời.

Mei cho biết: “Nghiên cứu khoa học cũng giống như quá trình trồng trọt, đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Vì thành quả lao động của một người không thể thu hoạch ngay lập tức mà sẽ cần một thời gian dài để sinh trưởng và kết trái”.

Theo Xinhua