Chính sách giảm giá nhà ‘vắt kiệt’ người Trung Quốc: Nhiều căn hộ bất ngờ bị chuyển đổi thành nhà ở công, khách vừa mua đã ‘hớ’ hơn 1 tỷ đồng

“Bất cứ ai cũng sẽ rất tức giận. Người tiêu dùng đang bị lừa”, trích lá đơn khiếu nại của một người dân địa phương.

Những năm trước đây, Thượng Hải tuyên bố bất kỳ đôi vợ chồng nào ly hôn cũng sẽ bị hạn chế mua căn hộ mới trong 3 năm như một phần của chủ trương ‘nhà là để ở, không phải đầu cơ’. Ở Thành Đô, phía tây Trung Quốc, chỉ những người dân địa phương đã nộp thuế phúc lợi xã hội mới có thể mua một nơi ở mới. Thành phố Đường Sơn, phía đông bắc đất nước, thì quy định bất kỳ ai mua nhà đều phải nắm giữ tài sản ít nhất 3 năm rưỡi.

Tuy nhiên, những hạn chế trên đã sớm được dỡ bỏ khi Trung Quốc cố gắng vực dậy tình trạng suy thoái tài sản nghiêm trọng. Kể từ năm ngoái, hơn 25 thành phố đã bãi bỏ mọi hạn chế đối với hoạt động mua bất động sản. Các quy định về trả trước cũng như thế chấp cũng được nới lỏng.

Động thái nhằm mục đích kích thích hoạt động mua bán nhà, song lại vô tình khiến người mua nhà ái ngại. Họ lo chính sách mới sẽ khiến giá bất động sản ‘cắm đầu xuống đất’, vậy nên phản ứng bất mãn có thể xảy ra.

Khi Thành Đô dỡ bỏ các hạn chế vào cuối tháng 4, một người đã gửi đơn khiếu nại lên trang web của chính phủ, cho rằng điều này là không công bằng đối với những ai đã rất nỗ lực để có đủ quyền mua nhà.

Người này viết: “Tôi coi việc đủ điều kiện mua một căn nhà ở Thành Đô là vinh dự, là minh chứng cho thấy tôi đã làm việc chăm chỉ như thế nào. Tuy nhiên giờ đây, ai cũng có thể mua nhà, kể cả những người “không đóng góp gì” cho thành phố”.

Những năm gần đây, một trong những hành động thách thức chính quyền Trung Quốc đến từ các chủ nhà. Bắt đầu từ năm 2022, hàng trăm nghìn người đã liên kết với nhau và từ chối trả các khoản vay đối với những bất động sản đang xây dở.

Theo Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis, rất khó để khuyến khích hoạt động mua nhà bằng cách dỡ bỏ các hạn chế cũ bởi nó cho thấy có điều gì đó không ổn đang xảy ra với thị trường.

Giá nhà mới ở các thành phố lớn nhất Trung Quốc đã giảm 11 tháng liên tiếp. Vào khoảng cuối năm ngoái, khi tình trạng suy thoái kéo dài, chính quyền địa phương bắt đầu cho phép các nhà phát triển giảm giá để kích cầu. Một số trường hợp giảm giá quá sâu đã bị quan chức khiếu nại vì cho rằng điều này “phá vỡ trật tự bình thường của thị trường bất động sản”.

Chính sách giảm giá nhà ‘vắt kiệt’ người Trung Quốc: Nhiều căn hộ bất ngờ bị chuyển đổi thành nhà ở công, khách vừa mua đã ‘hớ’ hơn 1 tỷ đồng- Ảnh 1.

Tại trung tâm thành phố Tây An, Fayre Liu mua một căn hộ 4 phòng ngủ với giá khoảng 420.000 USD vào tháng 1. Ngay sau đó, cô gái này phát hiện ra Poly Group, một công ty phát triển nhà nước, cũng đang đưa ra ưu đãi giảm giá khoảng 40.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) đối với những căn hộ tương tự. Nhân viên bán hàng đã gây áp lực buộc người mua phải trả trước, sau đó thông báo giảm giá lớn một ngày sau khi nhận được tiền đặt cọc. Cô Liu, 27 tuổi, nói: “Bất cứ ai cũng sẽ rất tức giận. Người tiêu dùng đang bị lừa”.

Nhiều chủ nhà liên hệ với văn phòng thị trưởng Tây An để yêu cầu nhận bồi thường, song không có kết quả.

Theo các chuyên gia, việc chính phủ nới lỏng quy định mua nhà nhằm mục đích để tiền chảy vào túi các nhà phát triển đang mắc nợ để kịp thanh toán lãi tín dụng. Nó cũng giúp giảm bớt lượng tồn kho của những ngôi nhà rất lâu chưa tìm được chủ mua.

Tập đoàn Australia ANZ ước tính sẽ mất 3,6 năm để xử lý tất cả các tài sản dân cư chưa bán được ở Trung Quốc, lâu hơn 50% so với đợt sụt giảm bất động sản lớn gần đây nhất của nước này vào năm 2014.

Sáng kiến của chính phủ, được công bố vào tháng trước, nhằm chuyển đổi những ngôi nhà chưa bán được thành nhà ở được trợ cấp, đã kéo theo nhiều ý kiến trái chiều. Một số chủ nhà không hài lòng về việc kết hợp nhà ở công cộng với phát triển tư nhân.

Tháng trước, một người đã nộp đơn khiếu nại trên trang web của tỉnh Tứ Xuyên về việc một công ty nhà nước biến nhà mới thành nhà ở công cộng. Hơn 100 căn hộ đã được chuyển đổi thành nhà ở công cộng mà không hề tham khảo ý kiến chủ nhà.

“Giá trị cộng đồng đã giảm mạnh. Các chủ nhà đang phải chịu đựng nỗi đau không thể tả xiết”, người này viết.

Trả lời đơn khiếu nại, công ty nhà nước nói rằng họ đang ủng hộ chính sách quốc gia và các ngôi nhà phải chịu “sự quản lý giá do thị trường điều chỉnh”.

Kevin Duan, chủ sở hữu căn hộ tại một khu phức hợp, cho biết một trong 20 tòa nhà của khu sẽ trở thành nhà ở công. Các chủ nhà hiện đang rất tức giận và yêu cầu tách biệt khu nhà ở giá rẻ với phần còn lại.

“Nếu ngay từ đầu tôi biết đây là khu phức hợp có nhà ở xã hội thì chắc chắn sẽ không mua đâu”, Duan nói.

Trước đó, các nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương Trung Quốc đã tìm mọi cách để thu hút khác mua nhà. Một số thậm chí sử dụng chiến lược tiếp thị được cho là khá “kỳ quặc”, chẳng hạn như ‘mua nhà tặng nhà’, ‘mua nhà tặng vợ’. Năm ngoái, một công ty ở tỉnh Chiết Giang còn hứa tặng cho người mua một thỏi vàng nặng 10 gram.

“Có quá ít người mua nhà, có thể mua nhà hoặc muốn mua nhà”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho biết. “Đã có sự thay đổi căn bản trong quan điểm của người Trung Quốc về bất động sản. Bất động sản không còn được xem là một kênh đầu tư an toàn”.

Trong một báo cáo nghiên cứu tháng này, Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, cho biết đà sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản là điều dễ hiểu do doanh số bán nhà gặp áp lực. “Điều quan trọng cần theo dõi vào năm 2024 là liệu khi nào chính quyền sẽ can thiệp và chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn sự sụp đổ”, ông Hu nói.

Theo: The New York Times, WSJ