Nguy cơ khủng hoảng đồng euro đang gia tăng?

Có một góc nhìn cho thấy khu vực đồng euro hiện đang giống như một khu rừng nơi có những đống bùi nhùi khô chất đống và người dân địa phương hầu như không làm gì để thay đổi hiện trạng mà chỉ đứng nhìn, nhưng họ cũng biết sẽ thật ngu ngốc nếu ném que diêm đang cháy vào khu rừng đó. Ngoài ra còn có một chiếc xe cứu hỏa chắc chắn sẽ chạy tới giải cứu.

Nguy cơ khủng hoảng đồng euro đang gia tăng?- Ảnh 1.

 

Nói cách khác, rủi ro về một cuộc khủng hoảng mới trong khu vực tiền tệ chung (Eurozone), giống như cuộc khủng hoảng mà khu vực này phải gánh chịu hơn một thập kỷ trước, đang gia tăng. Nhưng các điều kiện có lẽ vẫn chưa chín muồi để kích hoạt nó.

Mối lo ngại chính hiện nay là Pháp, nơi Đảng cực hữu Rassemblement National (National Rally-RN) chiếm số phiếu vượt trội trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử quốc hội sớm, có thể bước vào thời kỳ bất ổn chính trị cực độ và hoang phí tài chính. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp.

Các thành viên khu vực đồng euro mắc nợ cao khác, đặc biệt là Ý, có thể bị lây lan từ sự bất ổn chính trị ở Pháp. Tiếp sau đó, đồng tiền chung sẽ bị đe dọa. Pháp và Ý - những nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Hy Lạp và các thành viên khác trong khu vực đồng euro - vốn là trung tâm của cuộc khủng hoảng vừa qua.

Nhưng kịch bản này dường như chưa xảy ra vì Jordan Bardella, ứng cử viên của đảng cực hữu cho chức thủ tướng, đã giảm bớt những lời hứa về tài chính của đảng mình. Đảng cực hữu RN đang nhắm đến việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027 và sẽ là quá dại dột khi làm suy yếu uy tín của mình bằng cách kích động một cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Các nhà đầu tư không quá lo lắng. Kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử sớm, chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính kỳ hạn 10 năm của Pháp và của Đức đã tăng từ 49 điểm cơ bản lên 85 điểm cơ bản. Sự lây lan sang Ý đã được hạn chế: chênh lệch lợi suất trái phiếu của nước này so với trái phiếu Đức đã tăng lên 162 điểm cơ bản, từ mức 133 điểm cơ bản. Nhìn lại năm 2011, khi Silvio Berlusconi còn là thủ tướng, khoảng cách lên tới 560 điểm cơ bản.

Nguy cơ khủng hoảng đồng euro đang gia tăng?- Ảnh 2.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu ở EU.

Điều đó cho thấy, triển vọng trung hạn của đồng tiền chung – đồng Euro – rất đáng lo ngại. Nợ cao, nhu cầu chi tiêu bức thiết và tốc độ tăng trưởng thấp ở nhiều quốc gia trong thời điểm chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy và xung đột địa chính trị đang gây ra nhiều khó khăn cho đồng tiền này.

Những công cụ phòng ngừa rối loạn

Khu vực đồng euro có nhiều cách để tự bảo vệ mình trước một cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu chênh lệch lãi suất trái phiếu của một quốc gia tăng mạnh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể can thiệp và mua nợ của quốc gia đó. Công cụ bảo vệ đường truyền (Transmission Protection Instrument-TPI) của ECB được thiết kế để “chống lại các động lực mất trật tự, không chính đáng của thị trường”.

Ngân hàng trung ương sẵn sàng can thiệp hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng đồng euro vừa qua. Chỉ sau khi Mario Draghi trở thành chủ tịch ECB vào năm 2012 và hứa sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết”, ECB mới phát triển một công cụ để chống lại tình trạng hỗn loạn trên thị trường.

Ngân hàng trung ương Châu Âu có thể sẽ tung tấm áo bảo hộ của mình lên bất kỳ quốc gia nào có hành vi tốt mà phải chịu chênh lệch lãi suất trái phiếu tăng mạnh. Ngay cả khi đó, TPI không phải là một tấm séc trắng. ECB cho biết họ sẽ chỉ giải cứu nếu một quốc gia theo đuổi “các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô hợp lý và bền vững”. Vì vậy, một chính phủ quá hạn có thể phải tự mình đối mặt với các nhà đầu tư nợ, giống như Hy Lạp cho đến khi nước này áp dụng chương trình tài chính có trách nhiệm hồi năm 2015.

Vấn đề nợ

 
 

Hơn nữa, một điểm khác biệt với cuộc khủng hoảng đồng euro là lãi suất hiện ở mức cao. Do đó, việc trả nợ chính phủ sẽ tốn kém hơn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoản vay của Ý chiếm 137% thu nhập quốc dân vào năm ngoái trong khi nợ của Pháp ở mức 111%. Trong khi đó, thâm hụt tài chính của hai nước lần lượt là 7,2% và 5,5% GDP.

Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, vào tháng trước đã kết luận rằng cả hai quốc gia này - cùng với 7 quốc gia khác sử dụng đồng tiền chung và 3 quốc gia không sử dụng đồng tiền chung - đều có thâm hụt quá mức. Trong những tháng tới, họ sẽ tìm cách thuyết phục mỗi bên cắt giảm tỷ lệ nợ của mình như một phần của Thủ tục Thâm hụt Quá mức của liên minh. Theo tổ chức tư vấn Bruegel, Pháp và Ý có thể phải thắt chặt chính sách tài khóa lần lượt 0,5% và 0,6% GDP nếu họ có thời gian tối đa 7 năm để điều chỉnh.

Các chính trị gia sẽ không muốn cắt giảm chi tiêu công hoặc tăng thuế vì điều này sẽ làm suy yếu uy tín của họ và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng họ cũng có thể đàm phán một thỏa thuận với Ủy ban Châu Âu. Do vậy, thị trường nên giữ bình tĩnh vào lúc này.

Vấn đề là tỷ lệ nợ hiện được dự báo sẽ tiếp tục tăng, theo IMF sẽ lên145% GDP đối với Ý và 115% đối với Pháp vào năm 2029. Vì vậy, tỷ lệ vay vẫn sẽ ở mức cao ngay cả sau khi cắt giảm tài chính.

Nguy cơ khủng hoảng đồng euro đang gia tăng?- Ảnh 3.

Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tăng ở Pháp và Ý

Việc giảm thâm hụt cũng sẽ khó khăn. Tất cả các chính phủ châu Âu sẽ cần chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng, biến đổi khí hậu và dân số già đi trong những năm tới. Nếu Nga đánh bại Ukraine, các nước có thể sẽ hoang mang mà tăng chi tiêu cho vũ khí.

Các nước thuộc khu vực đồng Euro cũng sẽ không thể thoát khỏi nợ nần. Theo IMF, nền kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình chỉ 1,3% trong sáu năm tới, trong khi Ý sẽ chỉ đạt mức 0,6%.

Nhiệm vụ của họ sẽ càng khó khăn hơn nếu tình hình địa chính trị xấu đi. Một cuộc chiến tranh lạnh leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, dẫn đến sự phân mảnh của hệ thống thương mại toàn cầu, đang kìm hãm nền kinh tế thế giới. Nếu Donald Trump trở lại Nhà Trắng và thực hiện lời hứa áp thuế, tăng trưởng sẽ có một cú hích khác.

EU có thể chống lại một số sức ép này nếu họ có thể thúc đẩy năng suất và đầu tư. Khu vực có thể củng cố thị trường chung của mình, hiện không bao gồm năng lượng, thị trường vốn và truyền thông kỹ thuật số. Họ có thể áp dụng chính sách công nghiệp có mục tiêu trên toàn EU, được tài trợ bởi ngân sách trung ương, để đảm bảo không tụt hậu so với Trung Quốc và Mỹ, những nước đang sử dụng trợ cấp để hỗ trợ các công ty của họ.

Ông Draghi sẽ sớm tạo ra một bản thiết kế theo hướng đó. Vấn đề là những chính sách này đòi hỏi sự thống nhất lớn hơn. Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên khắp EU sẽ miễn cưỡng chấp nhận chúng. Do đó, khu vực đồng euro dường như bị bắt buộc phải tăng trưởng chậm và nợ cao. Khi ngày càng nhiều bùi nhùi khô tích tụ trên nền rừng, nguy cơ xảy ra một đám cháy khác ngày càng gia tăng.

Tham khảo: Reuters