Chuyên gia truyền thông Thu Trần: “Chỉ cần một ước mơ nhỏ lóe lên, đối với tôi, là tất cả”

Thu Trần là một người kể chuyện thương hiệu đã từng đứng sau sự thành công của rất nhiều dự án lớn, hiện chị giữ vai trò Giám đốc Thương hiệu, Truyền thông và Đối ngoại tại Ngân hàng số Timo. Thế nhưng, mãi đến khi bước qua tuổi 40, trải qua một vài biến cố, chị mới có đủ can đảm thực hiện ước mơ với talkshow “Trạm Song Hành” do chính mình dẫn dắt. Câu chuyện của chị gợi nhắc về lời của nhà văn người Anh C.S. Lewis: “Ngày nào đó, bạn sẽ đủ trưởng thành để bắt đầu đọc truyện cổ tích lần nữa”. Có lẽ, khi đủ trưởng thành, con người ta sẽ biết chính xác mình mơ ước gì, tin vào việc biến ước mơ thành hiện thực đẹp như cổ tích và có năng lực tìm ra ánh sáng trong bóng đêm chật hẹp.

Trở nên can đảm nhờ lời dặn dò của bố

Là một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông, hẳn phải có rất nhiều điều kiện để chị có thể dễ dàng thực hiện những dự án cá nhân. Lý do vì sao ở thời điểm này, chị mới lần đầu tiên làm điều gì đó cho riêng mình?

Có thể nói, năm 2023 mở ra một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Trước đó, tôi sống một cuộc đời thầm lặng như bao người – chăm chỉ làm việc, chăm sóc gia đình, không mưu cầu điều gì cho bản thân. Nhưng sau khi bố mất, tôi rơi vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý vì bố là người bạn thân thiết của tôi suốt từ tấm bé. Bố tôi ra đi đột ngột trong vòng 2 tháng kể từ khi phát hiện một khối u ác tính. Tôi đã dành hết số tiền tiết kiệm của mình để cố gắng lo chu toàn cho bố những phút cuối đời. Cùng lúc đó, công ty cân nhắc vị trí kể chuyện thương hiệu của tôi xem có cần thiết trong giai đoạn kinh tế khó khăn này không. Và sau một đợt khám tổng quát, tôi phát hiện sức khỏe của mình cũng không được ổn.

Chị Thu Trần có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Mọi điều tăm tối nhất xảy đến cùng lúc – mất người thân, lung lay niềm tin vào giá trị của bản thân, cạn kiệt tài chính, ôm mối lo lắng về sức khỏe, tôi đã dành nhiều ngày tự vấn xem mình cần phải làm gì để cuộc sống sau này của mình có ý nghĩa. Nếu có điều gì không may xảy đến, các con tôi sẽ biết rằng mẹ chúng đã từng… rất oách (cười). Và tôi nhớ đến lời khích lệ cuối cùng của bố: “Bố nghĩ những người con gặp rất thú vị, những trải nghiệm con từng có thật tuyệt vời. Con nhất định phải kể những câu chuyện đó nhé!”. Thế là tôi nung nấu ý định viết sách.

Để có tư liệu viết sách, tôi muốn đi nhiều nơi, trò chuyện với nhiều người. Ban đầu, tôi dự định sẽ mua một chiếc máy quay phim nhỏ, tự lên đường. Nhưng sếp tôi đã ủng hộ ý tưởng của tôi, bên cạnh đó là những người bạn đã động viên tôi bằng việc góp công sức và thời gian của chính họ nên đến năm nay, “Trạm Song Hành” được ra đời chỉn chu hơn ý tưởng ban đầu.

Trong suốt hành trình làm công việc kể chuyện cho thương hiệu, chị vẫn luôn làm những điều mới mẻ chứ không phải chỉ đi theo lối mòn. Vậy thì cái mới lần này so với những cái mới trước đây có gì… mới hơn?

“Trạm Song Hành” là chương trình trò chuyện với các khách mời, cùng họ kết nối sâu với bản thân trong lúc khám phá thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa, ẩm thực Việt Nam. “Thật” ở đây mang ý nghĩa tất cả những câu chuyện thật tại những điểm đến “Đẹp” mà chúng ta không ngại chia sẻ cùng nhau, thấy mình được thấu hiểu và kết nối với những người bạn mới. Trong cuộc sống này, nhiều người khó khăn lắm, nhưng ai cũng phải gồng lên để giấu. Sau khi mình kể ra, mình sẽ có những tình bạn mới rất là đẹp. Khung cảnh ghi hình là những địa điểm rất đẹp của Việt Nam.

Ý tưởng này mới xuất hiện gần đây, nhưng liệu rằng, đó có phải là một ước mơ đã bị chôn vùi bên trong chị từ lâu?

Bản lĩnh, dũng cảm hay nhiệt huyết chỉ dành cho những người đang có tất cả mọi thứ; còn khi không có một cái gì, toàn bộ cơ thể mình kiệt quệ, đến nói chuyện cũng không muốn nói, nghĩ còn không muốn nghĩ, thì chỉ cần một ước mơ nhỏ lóe lên thôi, đối với tôi, là tất cả. Tôi có bố mẹ già và con nhỏ nên từ trước đến nay luôn muốn một công việc ổn định. Chồng tôi cũng phải mở công ty riêng để thoải mái có thêm thời gian cho con. Tôi không thể nào ích kỷ đến mức chơi tới bến. Về bản chất, tôi cũng là người cẩn trọng. Trong suy nghĩ của tôi, ở đâu có rủi ro là mình phải dập ngay nên có những điều tôi chỉ ấp ủ mãi trong lòng thôi, không dám liều.

Trước đó chị có từng trải qua một biến cố lớn nào khác không? Cách chị vượt qua biến cố khi ấy có khác với bây giờ?

Cách đây vài năm, tôi gặp vấn đề về sức khỏe khá nghiêm trọng, liệt nửa cơ mặt. Vì phải tiêm thuốc điều trị dẫn đến tình trạng tăng cân rất nhiều, tôi khá tự ti và rơi vào trầm cảm. Thời gian đó, tôi chỉ suy nghĩ nếu như mình không thể làm việc trong ngành truyền thông nữa thì mình sẽ làm gì, chứ chưa quyết tâm bứt phá hay thôi thúc mình phải làm một điều gì khác biệt.

Chị có nghĩ rằng cách chúng ta phản ứng khác nhau trước những cột mốc trong cuộc sống là do độ tuổi không? Khi đã ngoài 40, chị nhìn nhận mọi thứ sâu sắc hơn chăng?

Có, tôi nghĩ là độ trưởng thành có ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của mình. Càng về sau, tôi càng có nhiều cơ hội làm việc với những thương hiệu lớn. Rõ ràng, ở vị trí cao hơn trong công việc, tiếp xúc với nhiều người tài giỏi, vượt qua nhiều thử thách, thế giới trong mắt tôi cũng trở nên rộng lớn hơn, cho nên tôi liều hơn ngày xưa. Suy cho cùng, hạnh phúc thật sự là điều dành để cảm nhận, nên bây giờ, dám lao đi, sống hết mình, thực hiện những ước mơ, tôi biết, sau này mình sẽ không nuối tiếc.

Ôm ấp những mảnh vụn tuổi thơ

Những điều mới mẻ nào chị khám phá được ở bản thân vào cột mốc này?

Tuy đây là lần đầu làm người dẫn chương trình nhưng tôi đã khiến mọi người xung quanh ngạc nhiên. Trước đây, tôi thường chỉ lặng lẽ đứng sau để xây dựng hình ảnh cho người khác, giờ tôi mới nhận ra rằng “ồ, mình có thể làm tốt vai trò mới này”. Có lẽ vì là người có nhiều trải nghiệm với “đứa bé bên trong’’ đã từng đi qua nhiều tổn thương, nên tôi dễ dàng đồng cảm với nỗi đau của người khác, khiến cho những khách mời trò chuyện với mình sẵn lòng bộc lộ những điều ẩn sâu trong con người họ. Trong một buổi ghi hình, khách mời của chúng tôi là các bạn trẻ mới ngoài 20 và đã có những thành công trong sự nghiệp. Tưởng chừng họ chẳng có những nỗi buồn như vực sâu đâu, nhưng sau khi trò chuyện, tôi nhận ra ai cũng có “cái đáy”. Đó là cái đáy của tuổi thơ, của sự chông chênh và cô đơn của một đứa bé.

Cái đáy tuổi thơ của riêng chị là gì?

Trong gia đình, các anh chị tôi đều giỏi giang. Từ bé tôi đã rất tự ti, cảm thấy mình chẳng có tài năng gì nên cũng không dám thể hiện bản thân. Mọi người cũng thường nói với tôi rằng “mày chẳng làm được cái gì đâu!”. Tôi biết đấy là mắng yêu thôi, mọi người nói xong rồi quên ấy mà! Nhưng những lời như thế ảnh hưởng đến mình rất nặng nề.

Ví dụ, tôi nhớ ngày bé mình rất thích vẽ, nhưng tôi không dám tin mình vẽ đẹp nên bỏ quên sở thích ấy mãi đến thời gian gần đây mới tìm lại được. Không nhận được sự ủng hộ từ những thành viên khác trong gia đình ngoại trừ bố, tôi luôn cảm thấy mình không có chỗ dựa.

Khi chị thấy rõ những thay đổi của thế giới bên trong rồi, thế giới bên ngoài có xoay chuyển một cách tích cực không?

Bây giờ tôi thấy bên trong mình tròn đầy. Trên hành trình khó khăn nhưng thú vị này, những người tôi gặp đều tin tưởng vào những việc tôi đang làm và sẵn sàng hết lòng giúp đỡ. Chồng và con luôn ở bên cạnh động viên, ủng hộ nên tôi thấy mọi thứ quanh mình vận hành theo một dòng chảy rất thuận lợi.

Gia đình tôi thì có lẽ chọn thể hiện yêu thương theo cách lý trí và nghiêm khắc. Khi tôi gửi trailer chương trình, thay vì khen ngợi, động viên thì cả nhà tôi đều chọn im lặng (cười). Tôi gọi đấy là yêu thương thầm kín và từ xa. Có thể mọi người sẽ cởi mở hơn và sẽ có sự ghi nhận từ gia đình dành cho tôi, nhưng cần thêm thời gian. Khi mình bị lạc, mình phải đi đến sân khấu cao nhất để người khác dễ nhìn thấy. Khi muốn mọi người công nhận thì mình cần phải tạo được tiếng vang của mình.

Không cần trưởng thành trong đau đớn

Khó khăn, thử thách sẽ tạo ra những bước ngoặt giúp con người trưởng thành hơn, nhưng theo chị, chúng ta có nhất định cần phải trải qua sự dồn nén để có những thay đổi lớn hay không?

Có rất nhiều người chọn cách yêu thương vừa kìm nén vừa nghiêm khắc. Khi thực hiện những cuộc trò chuyện với người trẻ, tôi muốn những người phụ huynh có thể nghe được tiếng lòng của những đứa trẻ. Mỗi ngày, tôi đều nói với chồng là anh không cần phải quá nghiêm khắc với con để con sợ anh đâu. Tôi đồng ý là nếu chẳng may gặp bất hạnh thì chúng ta phải cảm ơn vì đôi khi đó là lợi thế cho mình lớn lên. Nhưng nếu có thể lựa chọn, tôi vẫn muốn chọn cách yêu thương ngọt ngào. Mỗi ngày tôi đều ôm các con vào lòng, muốn các con hiểu rằng bất cứ sai lầm nào của các con cũng sẽ được tha thứ. Ai cũng cần trưởng thành, nhưng không cần trưởng thành trong đau đớn.

Thời nay, xã hội dần cởi mở để mỗi người có quyền sống theo cách bản thân mong muốn. Nhưng đối mặt với nhiều lựa chọn cũng là một dạng thách thức. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Các bạn trẻ thời nay rất cá tính và tài năng. Chẳng hạn, trước đây, một nhân viên phụ trách nội dung truyền thông chỉ cần viết tốt, nhưng các bạn bây giờ có thể cùng lúc viết, chụp ảnh, thiết kế rất linh hoạt. Chính vì thế, cái tôi cũng lớn hơn. Nhưng để làm tốt và thành công với lựa chọn của mình, các bạn cần rèn luyện cả hai thứ là khiêm tốn và kỷ luật.

Sau “Trạm Song Hành”, còn điều gì chị đang ấp ủ thực hiện?

Đầu tiên là hoàn thành quyển sách “Những con người Thu gặp, những chặng đường Thu qua”. Tôi muốn đem toàn bộ lợi nhuận thu được từ quyển sách này lên Hà Giang xây trường học. Ngoài ra, tôi mong muốn cùng Timo thành lập quỹ từ thiện, nơi tất cả những người bạn mình quen biết đều là thành viên sáng lập để cùng nhau thực hiện các dự án cho cộng đồng.

Mất rất nhiều năm để tìm thấy ánh sáng cho riêng mình. Nếu một lần nữa buộc phải đặt hạnh phúc của bản thân và gia đình lên bàn cân, chị sẽ lựa chọn như thế nào?

Ra ngoài làm việc rất cực nhọc, nhưng tôi vẫn thích tự tay vào bếp nấu những bữa ăn ngon cho gia đình khi trở về nhà. Từ lúc sinh con cho đến nay, nhà tôi chưa từng có người giúp việc. Hạnh phúc ở thời điểm hiện tại của tôi là bản thân có thể làm điều mình yêu thích, đồng thời giữ cho hạnh phúc của các con được vuông tròn nên mỗi bước đi trên hành trình mới, tôi vẫn giữ chừng mực. Nếu mẹ rất tài giỏi nhưng lại không dành đủ sự quan tâm cho con thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi có thể chinh phục những cung đường “Thật – Đẹp” của chính mình nhưng khi trở về, sau cùng tôi vẫn là một người vợ, một người mẹ.

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

CHUYÊN ĐỀ: MY OWN TIMELINE

Xã hội lập trình cuộc đời của một người bình thường sẽ có những cột mốc cơ bản: 18 tuổi vào đại học, 22 tuổi ra trường, 30 tuổi kết hôn, 40 tuổi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp… Điều đó không sai, nhưng không phải là lựa chọn duy nhất.

Lộ trình của mỗi người do chính họ quyết định. Hạnh phúc đến sớm hay đến muộn đều tuyệt đẹp. Thành công đến sớm hay đến muộn đều đáng quý. Bạn không cần phải sống theo lộ trình của người khác. Trái tim biết rõ khi nào nó sẵn sàng. Đừng vội vàng, cứ lắng nghe nhịp điệu của riêng bạn.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy

Đọc thêm

Hương Tôn: Sống như một cái cây
Ánh Viên: Có những thành công chỉ cần mình biết là được
Thu Trần: Chỉ cần một ước mơ nhỏ lóe lên, đối với tôi, là tất cả

Tác giả: Lê Ngọc, Ảnh: Ngọc Ánh