Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều

(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 4/12.
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều- Ảnh 1.

Đóng cửa, chỉ số MXV-Index gần như không thay đổi, vẫn dừng ở mức 2.178 điểm. Hai mặt hàng cà phê tiếp tục gây chú ý trên thị trường nguyên liệu công nghiệp khi quay đầu bật tăng 3% sau ba phiên trượt dốc trước đó. Ngược lại, trên thị trường năng lượng, sau khi nhận những thông tin không mấy khả quan về nền kinh tế Mỹ, giá các mặt hàng dầu thô đồng loại suy yếu.

Giá cà phê đảo chiều hồi phục sau chuỗi sụt giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp phân hóa rõ nét. Trong đó, hai mặt hàng cà phê nổi bật với sắc xanh khi giá đồng loạt bật tăng sau chuỗi ba phiên giảm liên tiếp. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 2,8% lên gần 6.700 USD/tấn, giá cà phê Robusta tăng hơn 3% lên 4.770 USD/tấn. Đà tăng được hỗ trợ do lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính.

Tại Brazil, lượng mưa liên tục dưới mức trung bình lịch sử từ tháng 4 tới nay tại vùng sản xuất cà phê chính khiến thị trường tiếp tục lo lắng về sản lượng cà phê tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. 

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều- Ảnh 2.

Trước đó, hãng tư vấn Hedgepoint trong báo cáo thị trường toàn cầu dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil vào khoảng 65,2 triệu bao. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến ở mức 42,6 triệu bao loại 60 kg, giảm nhẹ 1,4% so với vụ trước do thời tiết không phù hợp với sự phát triển của cây trồng.

Tại Việt Nam, mưa vẫn đang diễn ra tại một số khu vực của Tây Nguyên gây gián đoạn hoạt động thu hoạch cà phê của nông dân.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (5/12) ghi nhận ở mức 108.000-109.500 đồng/kg, tăng 2.500-3.000 đồng/kg so với ngày 4/12. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.

Sáng sớm hôm qua (4/12) theo giờ Việt Nam, các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ đề xuất nới lỏng quy định chống phá rừng (EUDR), chỉ đồng ý giữ nguyên kế hoạch hoãn thời gian thực thi thêm 1 năm. Quyết định này đi ngược với đề xuất của các nghị sĩ EU tháng trước về việc tạo thêm hạng mục "không rủi ro" cho một số quốc gia, vốn sẽ giúp giảm đáng kể các yêu cầu kiểm tra.

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều- Ảnh 3.

Giá dầu thô thế giới hạ nhiệt

Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh sau khi thị trường ghi nhận những dữ liệu kinh tế không khả quan của Mỹ.

Đóng cửa, giá dầu thô WTI giảm đánh mất 2% xuống còn 68,54 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,47% xuống còn 72,54 USD/thùng.

Viện Quản lý cung ứng (ISM) cho biết, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất tháng 11 của Mỹ đạt 52,1 điểm, giảm từ mức 56 điểm của tháng 10 và thấp hơn mức 55,5 điểm dự đoán của giới phân tích. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm của ADP cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 146.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức tăng 166.000 kỳ vọng của thị trường. Trong khi đó, số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 10 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 184.000, từ mức 233.000 được công bố trước đó. Các báo cáo trên vẽ nên bức tranh kinh tế có phần ảm đạm của Mỹ trong tháng 11 và đã tác động mạnh lên giá dầu thô.

Báo cáo Dầu khí tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy những dữ liệu trái chiều về tình hình tồn kho dầu thô và xăng. Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 29/11 đạt 423,4 triệu thùng, giảm mạnh 5,07 triệu thùng so với tuần trước và vượt xa dự báo giảm 1,6 triệu thùng của giới phân tích. Ngược lại, tồn kho xăng, chỉ báo quan trọng phản ánh nhu cầu năng lượng, lại tăng 2,36 triệu thùng trong tuần báo cáo, ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp. Diễn biến trái chiều này đang làm dấy lên những lo ngại về sự suy yếu trong nhu cầu tiêu thụ dầu ngắn hạn tại Mỹ.