"Cựu hoàng" bánh kẹo KIDO còn gì sau những bước đi đầy thách thức trong M&A?

Sau các thương vụ thoái vốn đình đám trong lĩnh vực bánh kẹo, nước giải khát,.. KIDO tiếp tục gây chú ý với kế hoạch “xẻ thịt” mảng kem trong bối cảnh lợi nhuận liên tục tụt dốc thời gian qua.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) thời gian qua đã tạo ra không ít sự chú ý trên thị trường. Tuy nhiên, những động thái mua rồi bán, thoái vốn, và tái cấu trúc liên tục đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tầm nhìn dài hạn của tập đoàn này; đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của công ty không mấy khả quan.

Những nước cờ M&A của "cựu hoàng" KIDO

Từng ghi dấu ấn với loạt thương vụ M&A đình đám, KIDO không chỉ gây chú ý khi bán đi mảng kinh doanh bánh kẹo – lĩnh vực từng làm nên tên tuổi của mình, mà còn mở rộng đầu tư vào các ngành thực phẩm khác như dầu ăn, nước mắm, kem,..., khẳng định chiến lược đa dạng hóa và tham vọng chiếm lĩnh thị trường.

Thương vụ gây chú ý nhất trong lịch sử kinh doanh của KIDO phải kể đến là việc bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) vào năm 2014.

"Cựu hoàng" bánh kẹo KIDO còn gì sau những bước đi đầy thách thức trong M&A?- Ảnh 1.

Ông Trần Kim Thành (bên trái) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO và ông Trần Lệ Nguyên (bên phải) - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO

"Tôi chủ động rao bán chứ không phải bị thâu tóm. Tôi không hài lòng với lợi nhuận 6.000 tỷ, mà phải 20.000-30.000 tỷ. Nhưng tôi đã 60 tuổi rồi, với kinh nghiệm đã có của mình, chỉ dừng ở 6.000 tỷ thôi. Phải M&A để tăng lợi nhuận. Hy vọng đến năm 2017 các bạn sẽ thấy rõ kết quả của sự chuyển mình này như thế nào", Chủ tịch Trần Kim Thành chia sẻ sau khi hoàn tất thương vụ nghìn tỷ trên.

Với nguồn tiền lớn đến từ thoái vốn mảng bánh kẹo, KIDO bắt đầu tập trung vào ngành kem, sữa chua qua công ty con – Công ty TNHH KIDO (sau đổi tên thành Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO – KIDO Foods và sản phẩm mì gói Đại Gia Đình.

Sau đó, doanh nghiệp thâu tóm 3 thương hiệu dầu ăn thuộc top đầu tại Việt Nam là Tường An, Vocarimex và Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Không chỉ vậy, KIDO còn có tham vọng hiện diện ở phân khúc thực phẩm tươi sống, đông lạnh và đồ hộp thông qua việc mua lại 50% cổ phần Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Foods).

"Cựu hoàng" bánh kẹo KIDO còn gì sau những bước đi đầy thách thức trong M&A?- Ảnh 2.

Năm 2021, KIDO chính thức quay lại mảng bánh kẹo, bước đệm để trở lại ngành hàng bánh trung thu vào năm 2022.

Ở thị trường nước giải khát, Liên doanh Vibev giữa KIDO và Vinamilk, ra mắt năm 2021 với kỳ vọng lớn, đã nhanh chóng giải thể chỉ sau một năm vì chiến lược thay đổi.

Cùng năm, KIDO cũng khai trương chuỗi cửa hàng trà sữa và cà phê Chuk. Hiện tốc độ mở cửa hàng đã chậm lại, cho thấy tập đoàn dường như đang thận trọng hơn trong việc nhân rộng quy mô. Ngoài ra, năm 2021, KIDO chính thức quay lại mảng bánh kẹo, bước đệm để trở lại ngành hàng bánh trung thu vào năm 2022.

Năm 2022, công ty con của KIDO là Vocarimex đã thống nhất tái cấu trúc khoản đầu tư tài chính tại Calofic và chuyển nhượng 24% cổ phần của công ty cho đối tác là Siteki Investment Ple Ltd. Giá trị chuyển nhượng được thỏa thuận giữa hai bên là 2.158 tỷ đồng.

"Cựu hoàng" bánh kẹo KIDO còn gì sau những bước đi đầy thách thức trong M&A?- Ảnh 3.

Ở thị trường nước giải khát, Liên doanh Vibev giữa KIDO và Vinamilk, ra mắt năm 2021 với kỳ vọng lớn, đã nhanh chóng giải thể chỉ sau một năm vì chiến lược thay đổi.

Sang năm 2023, KIDO đã mua lại 68% cổ phần của thương hiệu bánh bao Thọ Phát; đồng thời ra mắt ngành hàng gia vị.

Ở mảng bán lẻ, KIDO cũng vừa mua lại cổ phần tại Hùng Vương Plaza và khai trương siêu thị mới ngay vị trí Parkson vừa rút lui. Được biết, siêu thị mới nhằm tiếp nối thành công của Vạn Hạnh Mall, có tổng diện tích 30.000 m2 với vốn đầu tư theo KIDO lên đến 250 tỷ đồng.

Và mới đây nhất, là phi vụ KIDO Foods. Trước đó vào năm 2023, KIDO đã chuyển nhượng hơn 24% vốn của KIDO Foods cho đối tác với giá 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty này ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng. Hiện KIDO còn sở hữu 49% vốn tại KIDO Foods.

"Cựu hoàng" bánh kẹo KIDO còn gì sau những bước đi đầy thách thức trong M&A?- Ảnh 4.

năm 2023, KIDO đã chuyển nhượng hơn 24% vốn của KIDO Foods cho đối tác với giá 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty này ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng.

Theo thông báo từ KIDO, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 được tổ chức vào 24/1/2025, công ty sẽ xin ý kiến bổ sung về giao dịch bán cổ phần đang sở hữu tại KIDO Foods.

Đồng thời, công ty cũng sẽ báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2024; các tờ trình về vấn đề thương hiệu KIDO, nhãn hiệu Celano và Merino do tập đoàn sở hữu.

KIDO Foods được hình thành từ năm 2003 từ một giao dịch mua lại nhà máy kem Wall's, sau đó lần lượt ra mắt 2 thương hiệu đình đám là Merino năm 2004 và Celano từ 2005, gia nhập ngành hàng thực phẩm đông lạnh từ 2016.

Lợi nhuận liên tục sụt giảm

Trong giai đoạn từ 2015-2018, KIDO chạm đỉnh lợi nhuận với 5.269 tỷ đồng vào năm 2015. Nguyên nhân là nhờ hoàn tất bán mảng bánh kẹo đem lại doanh thu tài chính lên tới 6.697 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rút chân khỏi mảng bánh kẹo lợi nhuận của công ty liên tục "co lại" dù doanh thu liên tục được cải thiện.

Sang giai đoạn từ 2019 đến 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn KIDO ghi nhận tăng trưởng đều qua các năm, từ mức 7.210 tỷ đồng trong năm 2019 lên 10.496 tỷ đồng trong năm 2021. Cùng theo chiều hướng tăng của doanh thu, lợi nhuận của KIDO cũng cứ vậy "phi mã" tới 653 tỷ đồng vào năm 2021.

Tuy nhiên, đến năm 2022, dù doanh thu chạm mốc hơn 12.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của KIDO teo lại chỉ còn 362 tỷ đồng, "bốc hơi" 43% so với cùng kỳ năm 2021.

Đến năm 2023, tình hình kinh doanh của KIDO tiếp tục lao dốc về cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, sau thuế công ty báo lãi 125 tỷ đồng, "bốc hơi" 63% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh, phía KIDO cho biết, công ty mua cổ phần Lavenue từ năm 2010 và nắm giữ đến nay, sau thời gian dài qua nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, đầu tư dự án… và vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến báo cáo tài chính riêng và hợp nhất của KIDO nhiều kỳ kinh doanh.

9 tháng đầu năm, KIDO ghi nhận doanh thu 5.980 tỷ đồng, giảm 13%. Lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế là 54 tỷ đồng, "bốc hơi" tới 92% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải trình về chênh lệch lợi nhuận, KIDO cho biết nguyên nhân do việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh và ngành hàng của công ty, cũng như ảnh hưởng từ biến động thị trường.

KIDO sẽ bàn gì tại đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới?

Năm 2024, KIDO đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp từng được mệnh danh là "ông hoàng bánh kẹo" mới chỉ hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 8,7% kế hoạch lợi nhuận.

Dù mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của KIDO giảm so với năm trước, công ty vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi chỉ hoàn thành chưa đến 10% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, câu hỏi liệu tập đoàn này có đủ khả năng lấy lại vị thế "ông hoàng" như trước đây vẫn còn bỏ ngỏ.